Nhiều hàng hóa tăng giá

    Rau xanh, thực phẩm đắt thêm 10-50% so với đầu năm, cộng với giá điện tăng khiến người tiêu dùng lo lắng.

    Hơn tuần nay, chị Thảo ở quận Bình Thạnh (TP HCM) lo ngại trước sự leo thang của giá cả khi đi chợ. "Trước đây, tôi chỉ cần 20.000 đồng để mua 350 gram rau xà lách và rau gia vị, giờ phải chi đến 30.000 đồng", chị chia sẻ.

    Khảo sát tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa ở TP HCM cho thấy, rau xanh tăng 10-20% so với tháng trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Các loại rau như xà lách, rau gia vị, cà chua, bí đỏ và khoai lang đắt thêm 30-50%.

    Tại Thái Bình - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi, bà Nguyễn Hoa (TP Thái Bình) cũng không khỏi ngỡ ngàng khi mỗi mớ rau cải ngọt đắt hơn gấp đôi trước đây, lên 10.000 đồng.

    Bà Phương, tiểu thương tại chợ Bo (TP Thái Bình) cho biết nguồn hàng sau bão ít hơn do vườn hoa màu của các hộ trồng địa phương bị thiệt hại. Hàng tươi tại chợ chủ yếu được nhập thêm từ nơi khác, nên giá tăng.

    Rau xanh tại sạp của  cô Hằng tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh). Ảnh: Thi Hà

    Rau xanh được tiểu thương bày bán tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh, TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: Thi Hà

    Không chỉ rau xanh, giá thịt heo, gà và hải sản cũng tăng vọt. Mỗi kg cá diêu hồng khoảng 100.000 đồng, cá thác lác lọc thịt 350.000-400.000 đồng. Thịt heo cũng tăng 20-28% so với cùng thời điểm năm trước, 100.000-180.000 đồng một kg, tùy phần thịt ba rọi hay sườn thăn.

    Các mặt hàng nông sản (cà phê, hạt tiêu, ca cao...) cũng thiết lập mặt bằng giá mới. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, mỗi kg hạt tiêu khoảng 250.000-270.000 đồng, cà phê rang xay 160.000-250.000 đồng. Giá đường cũng lên 29.000-30.000 đồng một kg, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang ở mức cao, gây áp lực lớn cho người tiêu dùng.

    "Mỗi thứ đắt thêm một ít, đẩy chi phí bữa ăn hàng ngày của gia đình thêm 10%", chị Lan Anh (quân Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ.

    Cửa hàng thịt trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh: Thi Hà

    Cửa hàng thịt trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: Thi Hà

    Giá hàng hóa leo thang, theo các doanh nghiệp, do khan hiếm nguồn cung, chi phí đầu vào tăng đột biến. Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hải Nông (huyện Củ Chi, TP HCM) cho biết sau bão Yagi, rau từ miền Nam phải vận chuyển ra Bắc làm giá cả tăng. Bên cạnh đó, mưa kéo dài trong đợt bão vừa qua tại miền Nam gây hư hại nặng nề cho các loại rau, sản lượng nhiều hộ trồng giảm 50%.

    Tương tự, với thịt lợn, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay nguồn cung sản phẩm này giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi. "Dịch bệnh cùng với mưa bão khiến hơn 26.000 con gia súc và gần 3 triệu gia cầm bị chết. Việc tái đàn ở miền Bắc gặp khó khăn", ông Đoán nói, dự báo heo hơi có thể vượt 70.000 đồng một kg thời gian tới, đẩy giá bán lẻ tại chợ tăng tiếp.

    Phó tổng giám đốc Vissan Phan Văn Dũng cũng cho rằng giá heo hơi tăng cao khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức. Doanh nghiệp này đang cố gắng kiềm chế giá bằng cách giảm chi phí ở các khâu không quan trọng để hỗ trợ người tiêu dùng.

    Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lương thực, thực phẩm đã tăng giá mạnh tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Trong mức tăng gần 0,3% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, có sự đóng góp từ nhóm lương thực, thực phẩm 0,9% - mức điều chỉnh cao nhất kể từ tháng 2.

    Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB nhận xét CPI có xu hướng đi xuống từ tháng 8 chủ yếu nhờ giá dầu thế giới điều chỉnh. Theo bà, bão Yagi chỉ ảnh hưởng tới giá rau củ quả trong ngắn hạn. Trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng sản phẩm này không tác động quá lớn, còn thịt heo, gạo... chiếm tỷ trọng lớn hơn.

    Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giới phân tích vẫn lạc quan với lạm phát bình quân 9 tháng, khi giảm từ mức 4,1% trong 6 tháng trước đó, về 3,9%. Điều này cho thấy Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát, tạo dư địa đạt mục tiêu cả năm 4-4,5% như Quốc hội đề ra.

    Tuy vậy, giá hàng hóa, dịch vụ đối mặt thách thức trong quý cuối 2024 và đầu năm sau, khi điện - nhiên liệu đầu vào cho sản xuất - tăng 4,8% từ ngày 11/10, lên 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

    Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mỗi tháng hộ gia đình dùng 200-400 kWh sẽ trả thêm bình quân khoảng 32.000-47.000 đồng; trên 400 kWh là 62.000 đồng. Chi phí trả thêm của nhóm dùng điện kinh doanh dịch vụ 247.000 đồng và sản xuất là 499.000 đồng một tháng.

    Gia đình chị Minh Thu (Long Biên, Hà Nội) nộp khoảng 1,6 triệu đồng (gồm thuế VAT) tiền điện tháng 9, cho hơn 570 kWh sử dụng. Chị ước tính, khi giá điện tăng 4,8%, tiền điện phải trả tháng tới thêm khoảng 78.000 đồng. Chị cho rằng mức này vẫn chấp nhận được, nhưng lo ngại những tháng hè phải cao hơn và nhiều hàng hóa, dịch vụ sẽ "nhấp nhổm tăng theo giá điện".

    Trong khi đó, cơ quan thống kê cho biết giá năng lượng điều chỉnh khiến CPI tăng khoảng 0,04%. "Tác động của giá điện lên chỉ số CPI sẽ thể hiện rõ nét hơn vào quý I/2025. Tuy nhiên, sức ép không quá mạnh trừ khi chịu thêm tác động kép từ giá dầu", bà Trần Khánh Hiền nhận định.

    Chuyên gia từ Chứng khoán MB dự báo chỉ số CPI có thể giảm xuống mức 3,5%, lạm phát cả năm quanh 3,8-3,9%. Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng tác động tới chỉ số CPI là không đáng kể, khoảng 0,04%. Vì thế, lạm phát cả năm khoảng 3,8 – 4,1%, vẫn trong mục tiêu đề ra. Tuy vậy, ông lưu ý cơ quan quản lý cần kiểm tra sát thị trường, tránh tình trạng giá hàng hóa, dịch vụ "té nước theo mưa".

    Thi Hà - Đức Mạnh

    hotline 0966082016